Ngày 28/4 đến đây, SPP sẽ tổ chức ĐHĐCĐ tại Tp.HCM nhằm trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 1.250 tỷ đồng, tăng 19%; tương ứng mức lợi nhuận sau thuế 26,4 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện năm trước.
Để thực hiện được kế hoạch này, bên cạnh những phương án cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành, Công ty sẽ tìm kiếm những khách hàng mới. Hiện, SPP đang cung cấp bao bì cho các doanh nghiệp như Vinacafe, Masan, Vinamilk, Nestle, Biscafun, Ajinomoto…
Căn cứ chỉ tiêu trên, SPP đề xuất mức tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu là 10%. Tổng số lượng phát hành gần 1,7 triệu đơn vị lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, giá trị thu về tính theo mệnh giá là 17 tỷ đồng.
Một vấn đề đáng chú ý khác, Công ty cũng sẽ trình ĐHCĐ năm 2018 phương án tăng vốn thêm 30% lên 227 tỷ đồng. Trong tài liệu, SPP chưa công bố kế hoạch tăng vốn cụ thể.
Trên thị trường, từ đầu tháng 3 tới nay, cổ phiếu SPP đã có chuỗi phiên giảm sàn liên tiếp "trắng bên mua". Hiện, cổ phiếu SPP đang giao dịch tại vùng đáy 6.000 đồng/cp, So với thời điểm đầu tháng 3, cổ phiếu SPP đã "bốc hơi" gần 60% giá trị.
Lúc bấy giờ, việc SPP liên tiếp giảm sâu với dư bán sàn hàng triệu đơn vị trong nhiều phiên liên tiếp đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại về tình hình hoạt động của Công ty, hoặc do tình hình giải chấp tại các CTCK. Trước vấn đề này, SPP đã có giải trình việc cổ phiếu giảm là do tình hình thị trường và quan hệ cung cầu. Để khắc phục tình trạng trên, Công ty cho biết đang có kế hoạch ổn định lại giá trị cổ phiếu trong khoảng thời gian sớm nhất.
Kết thúc năm 2017, SPP đạt doanh thu thuần 1.047 tỷ đồng, tăng 15%; và lợi nhuận sau thuế 21,57 tỷ đồng, tăng gần 5% so với thực hiện năm 2016. Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản SPP tính tới cuối năm 2017 đạt 1.153 tỷ đồng. Công ty sử dụng nợ vay khá lớn với 680 tỷ đồng, chiếm 59% tổng nguồn vốn. Theo đó, việc vay nợ lớn khiến chi phí tài chính của SPP hàng năm ở mức khá cao, riêng năm 2017, chi phí tài chính đã lên tới hơn 57 tỷ đồng.